Lựa chọn camera IP hay camera analog

Trong thời điểm hiện tại, một câu hỏi đặt ra, tại sao khách hàng lại chuyển sang camera IP thay vì camera analog mặc dù camera IP có giá thành cao hơn? Các phân tích trong bài sẽ giúp khách hàng có cái nhìn rõ hơn về những ưu điểm và hạn chế của camera analog so với camera IP cũng như xu hướng giám sát an ninh hiện nay.

Khi tiếp cận khách hàng mới hoặc khách hàng hiện tại, không hiếm gặp các trường hợp phản đối camera IP khi đề cập việc lựa chọn giữa hệ thống giám sát IP và analog CCTV truyền thống. Lý do khách hàng phản đối thường là “triển khai hệ thống camera IP rất phức tạp” và “giá camera IP cao hơn analog”. Trong trường hợp này, không khó để thuyết phục khách hàng hiểu vì sao nên chọn giải pháp camera IP thay vì analog. Đầu tiên, hãy giúp khách hàng có cái nhìn cụ thể hơn về những ưu điểm và hạn chế của hệ thống camera analog CCTV, và tại sao nên chọn hệ thống giám sát IP trong thời điểm hiện tại.

ƯU ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG CAMERA ANALOG CCTV

• Đơn giản– Hình ảnh tín hiệu analog là tiêu chuẩn hình ảnh phổ biến trong nhiều thập kỷ qua. Với các thiết bị đơn giản như camera analog, cáp đồng trục, đầu ghi hình DVR… người dùng đã có một hệ thống camera analog CCTV gần như hoàn chỉnh. Bất kỳ hệ thống camera analog CCTV nào cũng được mặc định kết nối vào DVR để hoạt động, bất kể là thương hiệu của nhà sản xuất nào.

Tuy hệ thống camera analog CCTV vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng đứng trên lập trường người dùng để xem xét quá trình thao tác và lắp đặt, camera analog đơn giản và dễ sử dụng.

• Giá cả– Camera analog có chi phí rẻ hơn so với camera IP trong hầu hết các trường hợp. Có thể thấy rõ điều này với các gói sản phẩm trọn bộ gồm camera analog + đầu ghi DVR được các cửa hàng liên tục tung ra với giá bán tốt nhất dưới 10 triệu đồng. Những gói sản phẩm trọn bộ trao tay này bao gồm 4-8 camera analog ngoài trời, dây cáp, đầu ghi hình DVR (với ổ đĩa cứng được lắp đặt sẵn). Thậm chí một số cửa hàng còn khuyến mãi thêm bộ điều khiển từ xa đầu ghi và màn hình LCD, cung cấp cho khách hàng một hệ thống giám sát hình ảnh độc lập và đầy đủ. Khách hàng dễ dàng bị chinh phục bởi giá thành thấp của hệ thống camera analog khi so với camera IP.

Tuy nhiên, một khi hiểu rõ những hạn chế vốn có của hệ thống camera analog CCTV và những ưu điểm của hệ thống camera IP, đa phần khách hàng đều nhận ra IP thực sự có chi phí tối ưu hơn. Bước tiếp theo, hãy cùng xem xét những hạn chế của hệ thống analog và lợi ích khi triển khai hệ thống giám sát IP.

HẠN CHẾ CỦA HỆ THỐNG CAMERA ANALOG CCTV

• Hạn chế về khả năng mở rộng và lắp đặt linh hoạt– CCTV là từ viết tắt của closed circuit television– truyền hình mạch kín, đây là điểm hạn chế đầu tiên. Hãy tưởng tượng hệ thống camera analog giống như con “bạch tuộc”, với dây cáp của mỗi camera là một “tua bạch tuộc” và kết nối đến các DVR (là “bộ não bạch tuộc”). Khi triển khai, điều này đồng nghĩa quy mô hệ thống sẽ cố định và rất khó để mở rộng sau này. Ngược lại, với hệ thống camera IP, những hạn chế về khả năng mở rộng và lắp đặt linh hoạt trong thế giới analog không còn là vấn đề. Khách hàng có thể triển khai hệ thống giám sát IP tại nhiều khu vực lớn như trường học, tòa nhà văn phòng hay các cửa hàng bán lẻ có nhiều điểm bán hàng, hỗ trợ tối đa nhu cầu và ngân sách hiện có với khả năng dễ dàng lắp đặt và mở rộng theo bất kỳ quy mô nào.

Các ứng dụng có khoảng cách lắp đặt xa cũng là một hạn chế của camera analog. Người dùng có thể sử dụng giải pháp camera analog không dây, tuy nhiên tín hiệu truyền tải là không đáng tin cậy và chất lượng hình ảnh kém. Với các giải pháp không dây dành cho camera IP, khách hàng có thể truyền tải hình ảnh chất lượng cao ở khoảng cách trên 10 km.

• Độ phân giải hình ảnh– Hình ảnh analog chuẩn NTSC ra đời và phát triển từ những năm 1950. Bất chấp các tuyên bố về chất lượng hình ảnh camera analog đã được cải thiện so với trước đây, những công nghệ hình ảnh analog hiện tại vẫn đi theo lối mòn cũ kỹ và lạc hậu của 60 năm trước. Độ phân giải là lý do chính khiến ngành công nghiệp giám sát an ninh khuyến cáo người dùng nên chuyển từ analog sang IP. Hãy thử so sánh: Một camera IP độ phân giải 10-megapixel (3648 x 2736) sẽ có số điểm ảnh nhiều hơn gấp 3 lần so với độ phân giải analog 800 TVLs (tương đương 3-megapixel) cao nhất hiện nay. Một khi nhận ra giá trị của những chi tiết hình ảnh rõ ràng và sắc nét do camera IP megapixel mang lại, khách hàng sẽ sớm từ bỏ ý định sử dụng camera analog.

Lợi thế đáng kể khác của độ phân giải cao là khả năng quan sát và bao quát một khu vực rộng lớn với nhiều pixel hình ảnh hơn. Một camera IP hỗ trợ độ phân giải megapixel cao có thể bao quát và thay thế 2-3 camera analog. Thử so sánh: chi phí cho một camera IP kèm cả phí bảo trì và cài đặt vẫn thấp hơn so với 2-3 camera analog, rõ ràng chọn camera IP megapixel sẽ lợi thế hơn. Ngoài ra, cũng đừng quên nguy cơ chất lượng hình ảnh thấp từ analog: cái lợi của chi phí thấp không thể bù lại rủi ro khi không xác định rõ mặt nghi can đang phạm tội hoặc bỏ sót những hình ảnh quan trọng.

• Quản lý tập trung và phân quyền– Hạn chế lớn nhất của hệ thống camera analog là vấn đề quản lý tập trung và phân quyền cũng như khả năng bảo mật. Người dùng sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào đầu ghi hình DVR và máy tính cài đặt phần mềm quản lý tập trung. Khi có sự cố xảy ra, ví dụ đầu ghi hình DVR ngưng hoạt động, toàn bộ hệ thống camera sẽ bị tê liệt. Bên cạnh đó là khả năng phân quyền người dùng bị hạn chế, khả năng bảo mật thấp. Với hệ thống camera IP, người dùng chỉ việc đăng nhập một cổng thông tin duy nhất là có thể quản lý tập trung nhiều địa điểm giám sát cũng như có thể truy cập vào bất cứ thiết bị lưu trữ và camera IP nào để quản lý tập trung. Ngoài ra khả năng phân quyền cho nhiều cấp độ người dùng cũng như chế độ bảo mật hệ thống tối ưu thông qua các cơ chế mã hóa dữ liệu HTTPS, IEEE 802.1X… là những ưu điểm vượt trội của camera IP.

• Cáp– Trong hệ thống CCTV, cáp đồng trục (RG6/RG59) được sử dụng cho camera analog và chỉ truyền duy nhất một tín hiệu: hình ảnh. Để cấp nguồn cho camera, cần một ổ cắm điện gần đó hoặc một dây cáp điện riêng biệt. Người dùng cũng có thể sử dụng kết hợp cáp video/điện, nhưng cách này sẽ làm tăng thêm chi phí hệ thống cáp. Nếu khách hàng muốn có âm thanh đi kèm hình ảnh lúc ghi hình, hoặc thực hiện chức năng PTZ trong camera thì đều cần có thêm dây cáp. Vì vậy, điểm mấu chốt là hệ thống cáp CCTV tốn kém và hạn chế. Với camera IP có tính năng PoE, chỉ cần một sợi cáp mạng duy nhất sẽ truyền đầy đủ tất cả tín hiệu hình ảnh, âm thanh, nguồn điện, giúp tiết kiệm tối đa chi phí. Việc tận dụng hệ thống cáp mạng có sẵn trong tòa nhà, văn phòng để triển khai các camera IP mới khi có phát sinh cũng là một lợi thế đáng kể.

• Thông minh– Camera analog thường được coi là thiết bị câm, vì chỉ truyền tải tín hiệu hình ảnh. Ngoại trừ camera PTZ, không có cách nào để kiểm soát dễ dàng các chức năng camera analog từ xa. Ngoài ra, camera analog cũng không có chức năng xử lý hình ảnh thông minh được tích hợp trên bo mạch, chẳng hạn như phát hiện chuyển động. Với camera IP, khách hàng không chỉ cấu hình được camera từ xa (độ phân giải, độ sáng, tốc độ khung hình), mà còn sử dụng được các chức năng thông minh trong camera như phát hiện chuyển động, nhận dạng khuôn mặt, cảnh báo sự kiện bằng cách gửi email, chụp lại hình ảnh tức thời hoặc lưu lại hình ảnh vào thẻ nhớ gắn sẵn trong camera.

XU HƯỚNG CAMERA IP

Theo tổ chức IMS Research, công nghệ camera IP đang tăng trưởng với tốc độ 34%/năm, trong giai đoạn 2008-2012. Cùng thời điểm này, thị phần camera analog vẫn tăng với tốc độ chậm hơn 2%/năm. Trong khi đó các dòng sản phẩm camera IP megapixel tăng trưởng với tốc độ ấn tượng 63%/năm. Các tổ chức nghiên cứu thị trường như IMS Research, IHS, IPVideoMarket… tiếp tục dự báo sự tăng trưởng mạnh mẽ thị phần camera IP trong thời gian tới.
Khi được giải thích rõ về những ưu điểm của hệ thống camera IP so với camera analog, tâm lý phản đối dựa trên giá cả của khách hàng sẽ được gỡ bỏ. Khách hàng chỉ còn đọng lại ấn tượng về khả năng cài đặt và hoạt động đơn giản của camera IP. Hầu hết các doanh nghiệp đều có sẵn mạng lưới IP và nguồn tài nguyên CNTT tại chỗ. Câu hỏi cần đặt ra là tại sao doanh nghiệp không sử dụng hệ thống IP có sẵn để đạt được nhiều lợi ích hơn từ camera IP thay vì sử dụng giải pháp analog đầy hạn chế?

Ngoài ra, hầu hết các hãng sản xuất camera IP hiện tại đều cung cấp các công cụ hỗ trợ cài đặt và cấu hình miễn phí cho khách hàng, chẳng hạn như tự động dò tìm và phát hiện camera, thiết lập địa chỉ IP, giúp việc cấu hình camera IP trở nên đơn giản, chỉ cần “cắm-và-chạy”. Giống như các thế hệ màn hình CRT trước đây, những ngày tháng huy hoàng của camera analog CCTV đang dần rời xa để nhường chỗ cho hệ thống camera IP. Sự đơn giản trong quá trình vận hành và triển khai là điều khách hàng nhận được từ hệ thống giám sát IP.

KẾT LUẬN

Không thể phủ nhận những yếu tố cạnh tranh của camera analog so với IP, tuy nhiên, xét về toàn diện thì giải pháp camera IP vẫn hiệu quả hơn vì có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong việc thiết kế, vận hành, bảo trì bảo dưỡng trong suốt khoảng thời gian nhiều năm sau đó. Khi tất cả công nghệ hiện tại đều trong xu thế “everything-over-IP”, cơ hội trải nghiệm những công nghệ hình ảnh và các tính năng mới nhất mà camera IP mang lại là điều nằm trong tầm tay của khách hàng.

 

Nguồn nsp.com.vn


Bài viết xem thêm