Đánh nhãn cáp: Biển chỉ dẫn quản lý hiệu quả hệ thống kết nối

Việc định danh và đánh nhãn hệ thống cáp cấu trúc theo tiêu chuẩn TIA-606-A sẽ giúp các nhà quản trị hạ tầng mạng tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc kiểm tra, xác định và xử lý các sự cố liên quan tới hệ thống cáp. Nhờ đánh nhãn theo tiêu chuẩn, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, các nhà quản trị đều có thể dễ dàng nắm được những thông tin quan trọng của hạ tầng cáp cấu trúc thông qua hệ thống nhãn.

Quản lý một hệ thống cáp cấu trúc không được đánh nhãn cũng giống như lái xe trên một con đường không có bảng chỉ dẫn. Hãy thử tưởng tượng bạn đang lái xe trên đường và đột nhiên phát hiện, con đường này không tên, không số, không có bảng chỉ dẫn phương hướng lẫn tốc độ... Ngay cả những thiết bị GPS tiên tiến nhất cũng chẳng thể giúp bạn xác định được phương hướng di chuyển chính xác. Đây là tình huống tương tự việc phải xác định các kết nối dữ liệu trong một hạ tầng vật lý, với hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn mét cáp chưa được đánh nhãn phân bố khắp nơi trong tòa nhà.

Thông thường, việc lắp đặt các biển báo chỉ dẫn trên đường đi sẽ do Nhà nước hoặc Bộ Giao thông vận tải quy định và thực thi. Việc này cho phép người tham gia giao thông xác định chính xác được phương hướng, đích đến, đồng thời giảm thiểu những sự cố có thể xảy ra trong quá trình di chuyển. Trong lĩnh vực hạ tầng mạng, các tài liệu hướng dẫn và cách đánh nhãn được BICSI và TIA cung cấp sẽ giúp hạn chế tối đa những sự cố phát sinh trong quá trình quản trị và vận hành hệ thống cáp cấu trúc của doanh nghiệp. Việc đánh nhãn sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc quản lý hệ thống cáp cấu trúc. Trong thời kỳ kinh tế đầy thách thức như hiện nay, thời gian chính là tiền bạc. Mọi doanh nghiệp đều phải tìm mọi cách cắt giảm và tiết kiệm từng đồng chi phí.

Máy in nhãn Brady

Định danh cáp ngang

Khi một kết nối cáp gặp vấn đề, người sử dụng sẽ liên hệ với các nhà thi công, các kỹ thuật viên sẽ được gửi xuống để kiểm tra và xử lý sự cố ngay tại hiện trường. Sau khi xem xét các mặt ổ cắm mạng (faceplate), kỹ thuật viên phát hiện ổ cắm mạng (jack) được đánh nhãn "V1" và "D1". Vấn đề được xác định là do ổ cắm D1, nhưng kết nối mạng của ổ cắm này xuất phát từ đâu? Trong trường hợp này, kỹ thuật viên sẽ sử dụng thiết bị phát và dò tông (toner & probe) để tìm kiếm và xác định nơi bắt đầu của kết nối. Việc này thường mất rất nhiều thời gian để xử lý, và trong lúc đó, kết nối cáp vẫn ở tình trạng không hoạt động.

Nếu bề mặt ổ cắm được đánh nhãn đúng theo tiêu chuẩn đánh nhãn cho hệ thống mạng TIA-606-A, các ký tự trên nhãn sẽ có nội dung tương tự "1A-B05". Các ký tự trên sẽ cung cấp cho kỹ thuật viên chính xác vị trí tầng, phòng, thanh đấu nối và cổng mạng của kết nối ở vị trí mặt ổ cắm này. Việc đánh nhãn theo tiêu chuẩn TIA-606-A giúp các kỹ thuật viên có thể nhanh chóng xác định vị trí chính xác các kết nối có vấn đề nằm ở đâu, nhờ đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc xử lý. Bất kể hệ thống mạng đang nằm ở khu vực nào trên thế giới, các kỹ thuật viên cũng có thể nắm rõ được các thông tin kết nối thông qua việc đánh nhãn theo tiêu chuẩn TIA-606-A. Đây chỉ là một ví dụ đơn giản về những lợi ích của việc đánh nhãn theo tiêu chuẩn mang lại cho các nhà quản trị hệ thống mạng.

Những vấn đề quan trọng khác của việc đánh nhãn

Việc định danh cho các kết nối cáp ngang chỉ là một phần nhỏ trong tiêu chuẩn TIA-606-A. Sử dụng bộ tiêu chuẩn này sẽ giúp việc quản lý và vận hành hạ tầng hệ thống mạng được dễ dàng hơn, đồng thời cung cấp đầy đủ các hướng dẫn và thông tin cần thiết cho kỹ thuật viên trong quá trình vận hành hoặc bảo trì hệ thống. Bên dưới là một vài ví dụ về việc định danh cho các vị trí quan trọng trong hạ tầng hệ thống mạng:
Phòng viễn thông: xác định chính xác vị trí của các thiết bị bằng ký hiệu số tầng và phòng. Ví dụ: "1A".
Tủ chứa thiết bị: xác định vị trí của tủ chứa thiết bị trong phòng viễn thông thông qua bản sơ đồ bố trí tủ. Ví dụ: "AD02".
Thanh đấu nối: thể hiện vị trí của thanh đấu nối cáp bên trong tủ, dựa vào tên của tủ và số U. Ví dụ: "AD02-11".
Vị trí cổng trên thanh đấu nối: xác định vị trí cổng của kết nối cáp trên thanh đấu nối. Ví dụ: "AD02-11:02"
Kết nối cáp: thể hiện vị trí hai đầu của kết nối. Nhãn kết nối cáp luôn thể hiện thông tin vị trí hai cổng kết nối của cáp. Ví dụ: "AD02-35:01/AG03-35:01".
Để quản lý hệ thống cáp cấu trúc một cách hiệu quả, việc định danh và đánh nhãn hệ thống là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Cũng giống như khi lái xe trên đường, ngoài các bảng chỉ dẫn, ta còn phải nhìn vào bản đồ để xác định phương hướng và nơi cần đến. Nhà quản trị cũng cần "bản đồ"–trong trường hợp này chính là các bộ tài liệu hỗ trợ vận hành và quản lý cơ sở hạ tầng để có cái nhìn tổng thể về vị trí bố trí phòng, tủ rack, thiết bị, loại cáp, kết quả đo kiểm hệ thống...

Bảng ghi kết nối cáp ngang 1A-B47
Loại cáp 4-pair, UTP, Cat. 5e, P/N: W-12345
Vị trí mặt ổ cắm Phòng 125
Chuẩn đầu nối 8-position modular, T568A, P/N: Z-45678
Chiều dài 51 m, 154 ft
Thanh đấu nối 48-port, T568A, Cat. 5e, P/N: X-23456
Các dịch vụ Lắp đặt và đo kiểm bởi công ty ABC Cabling, 12/01/2013; lắp đặt lại vào ngày 22/4/2013 do bị đứt dây cáp, kiểm tra lại bởi kỹ thuật viên A

Quá nhiều chi tiết

Một trong những sai lầm phổ biến nhất của các nhà quản trị khi định danh và đánh nhãn hệ thống cáp chính là đưa vào quá nhiều thông tin. Hãy xem ký hiệu trên nhãn bên dưới:

B01-R021-P1-02-Wa-PA-24

Các thông tin được thể hiện trên nhãn này bao gồm:
"B01": vị trí tòa nhà. Thông tin này không cần thiết vì đa số công ty chỉ nằm trong một tòa nhà.
"R021": vị trí của phòng.
"P1": mặt ổ cắm thứ nhất, trong phòng có ba ổ cắm.
"02": ổ cắm thứ hai trên mặt ổ cắm.
"Wa": hiển thị cách đấu dây theo chuẩn T568A.
"PA": thanh đấu nối cáp có tên là A.
"24": vị trí cổng trên thanh đấu nối.
Lượng thông tin được thể hiện trên nhãn này quá nhiều và có thể không phù hợp với kích thước nhỏ của các loại nhãn in trên mặt ổ cắm hoặc trên các kết nối cáp. Ngoài ra, một câu hỏi được đặt ra là liệu kỹ thuật viên có cần sử dụng hết toàn bộ các thông tin bên trên khi xử lý các sự cố trong hệ thống?

Tương tự như bản đồ để di chuyển trên đường, chúng ta cần tài liệu hướng dẫn để hỗ trợ việc vận hành và quản lý cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả. Tiêu chuẩn TIA cũng đưa ra những yêu cầu và khuyến cáo nhà quản trị cần phải có bộ tài liệu để hoàn thiện việc quản lý hệ thống kết nối cáp cấu trúc nhằm phục vụ hiệu quả cho các ứng dụng CNTT của doanh nghiệp. Hệ thống tài liệu này cung cấp cho nhà quản trị cái nhìn tổng quát về hệ thống cáp cấu trúc của hệ thống mạng. Hình minh họa phía trên là ví dụ về bảng ghi các đường kết nối (link record) của doanh nghiệp.

Với bảng ghi các đường kết nối, nhà quản trị được cung cấp thêm thông tin cần thiết để quản lý hệ thống cáp cấu trúc của doanh nghiệp. Cần lưu ý, tài liệu này phải được cập nhật thường xuyên và bảo đảm tính chính xác của các dữ liệu bên trong. Ngoài ra, cũng nên cân nhắc về việc thể hiện quá nhiều nội dung bên trong hệ thống tài liệu này, vì một số thông tin vốn không cần thiết cho việc quản lý và xử lý các sự cố trong hạ tầng hệ thống mạng.

Kết luận

Tiêu chuẩn TIA-606-A mang lại tính nhất quán cho việc định danh và đánh nhãn hạ tầng hệ thống mạng của doanh nghiệp ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Hệ thống nhãn cũng như các tài liệu hỗ trợ vận hành và quản lý, sẽ giúp việc quản trị hệ thống kết nối cáp cấu trúc và hạ tầng vật lý trở nên dễ dàng hơn. Do đó, rất dễ hiểu vì sao việc đánh nhãn theo tiêu chuẩn đang ngày càng được chú trọng thực hiện. Hãy nhớ rằng, không thể quản lý và vận hành hạ tầng hệ thống mạng một cách hiệu quả nếu không có đánh nhãn và tài liệu hỗ trợ kèm theo.

Nguồn nsp.com.vn


Bài viết xem thêm